Kiến thức chung về thị trường tài chính
Nội dung học phần Kiến thức chung về thị trường tài chính bao gồm:
Tổng quan về thị trường tài chính
Thị trường là gì?
- Thị trường có thể hiểu theo cách đơn giản là nơi diễn ra các hoạt động MUA VÀ BÁN một loại HÀNG HÓA NHẤT ĐỊNH nào đó.
- Cùng với sự phát triển của sản xuất hàng hoá, khái niệm thị trường đang ngày càng trở nên phong phú và đa dạng.
Ví dụ: Thị trường gạo, thị trường cafe, thị trường xăng dầu
Thị trường tài chính là gì?
- Đây là nơi giao dịch, mua bán, trao đổi các sản phẩm tài chính ngắn - trung - dài hạn để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các đối tượng.
- Nói cách khác, thị trường tài chính là nơi diễn ra hoạt động giao dịch và mua bán quyền sử dụng những khoản VỐN thông qua các phương thức giao dịch và những công cụ tài chính nhất định.
- ĐỐI TƯỢNG được mua bán trên thị trường tài chính là các khoản VỐN.
- Trong thực tế, hẳn anh/chị từng bắt gặp tình huống, những người có cơ hội đầu tư sinh lời thì thiếu vốn, trái lại, những người có vốn nhàn rỗi lại không có cơ hội đầu tư hoặc không biết đầu tư vào đâu. Từ đó, như một lẽ tất yếu, thị trường tài chính được sinh ra để kết nối những người này với nhau.
Chức năng và vai trò của thị trường tài chính
5 chức năng cơ bản của thị trường tài chính
Luân chuyển VỐN: Thị trường tài chính thực hiện chức năng kinh tế nòng cốt trong việc dẫn vốn từ những người thừa vốn vì họ chi tiêu ít hơn thu nhập tới những người thiếu vốn vì họ muốn chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ.
- Trong thị trường tài chính trực tiếp, các chủ thể có vốn tiết kiệm nhàn rỗi trực tiếp chuyển vốn cho các chủ thể có nhu cầu sử dụng vốn bằng cách mua các tài sản tài chính trực tiếp do các chủ thể có nhu cầu vốn phát hành thông qua các thị trường tài chính.
- Trong thị trường tài chính gián tiếp, người cho vay và người đi vay giao dịch gián tiếp thông qua trung gian tài chính thông thường là các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng.
- Điều hòa lưu thông tiền tệ: Thị trường tài chính thể hiện chức năng ổn định và điều hòa lưu thông tiền tệ.
- Định giá tài sản tài chính: Thị trường tài chính được thể hiện qua việc hình thành giá của các tài sản tài chính.
- Tạo tính thanh khoản: Thị trường tài chính là tạo tính thanh khoản cho các tài sản tài chính. Thiếu tính thanh khoản, các nhà đầu tư phải nắm giữ tài sản tài chính cho đến khi nào đáo hạn, hoặc đối với cổ phiếu cho đến khi nào công ty tự nguyện thu hồi hoặc nếu không tự nguyện thì phải chờ thanh lý tài sản. Mặc dù tất cả các thị trường tài chính đều có tính thành khoản, nhưng mức độ thanh khoản sẽ là khác nhau giữa chúng.
- Giảm chi phí huy động vốn: Thị trường tài chính giảm bớt chi phí tìm kiếm và chi phí thông tin để các giao dịch có thể được diễn ra thì những người mua và người bán phải tìm được nhau. Họ phải mất rất nhiều tiền và thời gian cho việc tìm kiếm này, ảnh hưởng đến lợi nhuận kỳ vọng của họ. Chi phí đó là chi phí tìm kiếm. Bên cạnh đó, để tiến hành đầu tư họ cần có các thông tin về giá trị đầu tư như khối lượng và tính chắc chắn của dòng tiền kỳ vọng. Thị trường tài chính nhờ có tính trung lập này - là nơi để người mua, người bán đến đó tìm gặp nhau, là nơi cung cấp các thông tin một cách công khai và đầy đủ - nên có khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch lớn vì thế nó cho phép giảm đến mức thấp nhất những khoản chi phí trên.
3 VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Hiện nay, việc phát triển thị trường tài chính là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước nhằm huy động tối đa các nguồn lực tài chính. Do vậy, chúng ta nên làm rõ vai trò của thị trường tài chính, bởi vì nó mang ý nghĩa rất quan trọng trong hoạch định chính sách cũng như trong các quan hệ kinh tế xã hội.
Hoạt động của thị trường tài chính mang lại rất nhiều lợi ích cho cả hai chủ thể tham gia - người thừa vốn và người thiếu vốn. Cụ thể là:
Huy động vốn trong và ngoài nước
Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả việc sử dụng dòng tiền, công cụ tài chính
Thực thi các chính sách về tài chính tiền tệ của nhà nước
Vậy, với sự tồn tại của thị trường tài chính, các cá nhân và doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động được những khoản vốn, những nguồn tài trợ cần thiết cho các dự án phát triển của mình.
Các tiêu chí phân loại thị trường tài chính
Có 3 tiêu chí phân loại thị trường tài chính gồm:
1. THEO CÔNG CỤ TÀI CHÍNH
1.1. Thị Trường Nợ
- Là nơi diễn ra việc mua bán, trao đổi các CÔNG CỤ NỢ. Ví dụ: trái phiếu, tín phiếu… các công cụ phát sinh nợ khác.
- Bản chất của việc phát hành và sử dụng các công cụ nợ này là bởi nhu cầu đi vay theo phương thức hoàn trả gốc và lãi của nhà phát hành công vụ nợ hay còn gọi là người đi vay.
- Người cho vay không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm nào liên quan đến kết quả việc sử dụng nguồn vốn. Đồng thời, trong mọi trường hợp bên phát hành công cụ vay phải có trách nhiệm thanh toán theo cam kết được xác định trong hợp đồng vay. Các công cụ nợ đều có thời hạn thanh toán xác định rõ ràng, có thể là ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn tùy theo doanh nghiệp.
Thời hạn của các công cụ nợ bao gồm:
- Công cụ nợ ngắn hạn: thời gian đáo hạn dưới 1 năm.
Công cụ nợ trung hạn: thời gian đáo hạn từ 1 – 10 năm.
Công cụ nợ dài hạn: thời gian đáo hạn từ 10 năm trở lên.
1.2. Thị Trường Chứng Khoán
- Là nơi diễn ra việc mua bán, trao đổi CỔ PHIẾU.
- Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số CỔ PHẦN của công ty đó.
- Người nắm giữ cổ phiếu trở thành CỔ ĐÔNG và đồng thời là chủ sở hữu của công ty phát hành.
3. Theo thời gian luân chuyển
3.1. Thị Trường Tiền Tệ: Là nơi diễn ra các giao dịch vốn NGẮN HẠN giữa bên cung và cầu vốn. Trong đó, vốn ngắn hạn được xác định với THỜI GIAN ĐÁO HẠN DƯỚI 1 NĂM.
Đặc điểm như: CÓ MỨC ĐỘ RỦI RO THẤP, TÍNH THANH KHOẢN CAO.
Các sản phẩm của thị trường tiền tệ
- Tín phiếu kho bạc.
- Các khoản vay liên ngân hàng.
- Giấy chấp nhận thanh toán của ngân hàng.
- Kỳ phiếu thương mại.
- Chứng chỉ ngắn hạn.
3.2. Thị Trường Vốn: Là thị trường TRUNG - DÀI HẠN. Đây là nơi cung cấp vốn đầu tư từ trung đến dài hạn cho các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các sản phẩm của thị trường vốn
- Cổ phiếu công ty cổ phần.
- Trái phiếu doanh nghiệp.
- Vay thế chấp.
- Chứng khoán của cơ quan chính phủ hoặc chính phủ.
- Vay tiêu dùng, vay thương mại do các ngân hàng hay tổ chức tín dụng cấp.
3. Theo hình thức phát hành
Thị Trường Sơ Cấp: Thị trường chứng khoán sơ cấp là nơi diễn ra giao dịch mua, bán các loại cổ phiếu mới phát hành, còn gọi là thị trường cấp một.
Thị Trường Thứ Cấp: Thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi mua, bán các loại chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp.
Các sản phẩm phổ biển của thị trường tài chính
1. Cổ phiếu thường
Hay còn gọi là cổ phiếu phổ thông là loại chứng khoán đại diện cho phần sử hữu của cổ đông trong một công ty hay tập đoàn. Cho phép cổ đông có quyền bỏ phiếu và / hoặc được chia lợi nhuận từ kết quả hoạt động kinh doanh qua cổ tức và/ hoặc phần giá trị tài sản tăng thêm của công ty trên thị trường.
- Mức rủi ro cao
- Đòi hỏi kiến thức về đầu tư
- Mức độ lợi nhuận kỳ vọng cao
2. Trái phiếu
Là một chứng nhận chịu lãi do chính phủ hay một doanh nghiệp phát hành cam kết trả cho người sở hữu trái phiếu một số tiền nhất định vào một thời gian nhất định.
- Mức rủi ro thấp
- Tính thanh khoản thấp
- Mức độ lợi nhuận kỳ vọng trung bình
3. Tiền gửi ngân hàng
Là hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng và hưởng lãi suất cố định.
- Mức rủi ro rất thấp
- Tính thanh khoản cao
- Mức độ lợi nhuận kỳ vọng thấp
Ôn tập nhanh
Câu hỏi 1: Nơi giao dịch, mua bán, trao đổi các sản phẩm tài chính ngắn - trung - dài hạn để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các đối tượng được gọi là:
A . Thị trường mua bán gạo
B. Thị trường giao dịch bất động sản
C. Thị trường tài chính
D. Thị trường mua bán café
Câu hỏi 2: Thị trường nào sau đây KHÔNG phải là Thị trường tài chính?
A . Trái phiếu
B. Máy móc
C. Cổ phiếu
D. Tiền tệ
Câu hỏi 3. Vai trò của thị trường tài chính là:
A . Huy động vốn trong và ngoài nước
B. Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả việc sử dụng dòng tiền, công cụ tài chính
C. Thực thi các chính sách về tài chính tiền tệ của nhà nước
D. Tất cả các đáp án trên
Hãy trả lời 3 câu hỏi trên và gửi bình luận phía dưới bài viết để xem bạn đánh giá lại kiến thức đã học nhé.
Ảnh: Minh họa